Hợp tác, hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả

Hoạt động hợp tác giữa Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn với 4 trường nghề thuộc 4 tỉnh Nam Lào (Attapu, Champasak, Salavan, Sekon) bắt đầu từ năm 2013. Trong hành trình 8 năm qua Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã thể hiện tốt vai trò “người giúp đỡ”.

Nỗ lực vượt khó

Năm học 2013 - 2014, lần đầu tiên hoạt động hợp tác giữa 2 bên được diễn ra. Cụ thể, 25 sinh viên Lào thuộc 4 tỉnh đã học liên thông lên cao đẳng. Đồng thời, 7 giáo viên của nước bạn cũng sang Việt Nam để tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn. Đến 2015, số lượng sinh viên Lào được đào tạo thông qua kế hoạch hợp tác tăng lên 28, trải đều ở các ngành Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Công nghệ thông tin và Kế toán doanh nghiệp. Đến nay, tổng số sinh viên Lào theo học tại trường là 175 sinh viên.

Các sinh viên Lào trong giờ học tiếng Việt tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021).

Đến năm học 2020 - 2021, bị tác động bởi đại dịch Covid-19, quá trình hợp tác gặp không ít khó khăn, trước hết ở khâu tuyển sinh. Thay vì cử đoàn tuyển sinh sang Lào trực tiếp phỏng vấn, cung cấp thông tin cho sinh viên, nhà trường phải hỗ trợ từ xa thông qua mạng xã hội. Dịch bệnh còn khiến cho lễ tốt nghiệp của sinh viên Lào tại Việt Nam thiếu vắng sự chứng kiến của Ban giám hiệu các trường thuộc 4 tỉnh Nam Lào. Bên cạnh đó, quá trình học của sinh viên cũng bị ảnh hưởng. Thay vì tốt nghiệp vào tháng 9 như trước, năm nay, các em phải đợi đến tháng 4 năm sau. Việc chậm trễ này còn dẫn đến hàng loạt khó khăn khác như nỗi lo về phí sinh hoạt, thời điểm được về nước của sinh viên… Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho biết: “Thấu hiểu tâm lý lo lắng của sinh viên, nhà trường luôn sẵn sàng chuẩn bị các kế hoạch dạy và học phù hợp với tình hình chung, hạn chế tối đa tác động của đại dịch đến quá trình học của các em. Trường cũng đảm bảo cơ sở vật chất và đời sống tinh thần để sinh viên Lào có thể an tâm học tập, rèn luyện”.

Lấy chất lượng làm đầu

Trường chú trọng yếu tố “lành nghề”, tức ưu tiên việc thực hành. Nhờ đó, kỹ năng thực tế của sinh viên thường xuyên được rèn luyện và phát triển. Em Seng Dao Xai, sinh viên ngành Điện công nghiệp, chia sẻ: “Thường xuyên thực hành giúp tôi được rèn luyện tay nghề, đảm bảo có thể hoàn thành tốt công việc.” Chất lượng chuyên môn được khẳng định đã giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm tại các tập đoàn, công ty lớn. Cuối tháng 4 vừa qua, cả 23 sinh viên Lào tốt nghiệp khóa 13 đều được Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải Thagrico nhận làm việc tại Lào. Em Douangmankhong Sisakda, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Điện công nghiệp (khóa 13), cho biết: “Với nhiều kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học tập ở Việt Nam, tìm kiếm việc làm tại quê hương dường như không còn quá khó khăn như trước nữa. Bên cạnh đó, các tập đoàn đã nhận sinh viên Lào làm việc tại quê hương. Điều đó khiến chúng em vô cùng phấn khởi”.

Việc nâng cao kỹ năng chuyên môn cho các giảng viên cũng rất được quan tâm. Hằng năm, đều có đợt tập huấn trong 2 tuần cho giảng viên thuộc 4 trường Nam Lào. Thầy Nome Saphimmasone, giảng viên Trường CĐ nghề kỹ thuật Champasak, chia sẻ: “Những kiến thức như Mô - đun lắp ráp, sửa chữa mạch xung số… đã giúp ích rất nhiều cho tôi. Ngoài ra, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn còn hỗ trợ một bộ thực hành kỹ thuật xung số phục vụ điện tử cơ bản và máy in nhãn, hỗ trợ chúng tôi trong việc giảng dạy tại quê hương”.

Bên cạnh đó, kỹ năng tiếng Việt của sinh viên Lào cũng được chú trọng, UBND tỉnh Bình Định cũng xem đây là một trong các tiêu chí để xét học bổng đầu vào cho sinh viên Lào. Theo đó, mỗi trường sẽ có 5 suất học bổng dành cho sinh viên có học lực xuất sắc, hạnh kiểm và khả năng giao tiếp tiếng Việt đạt mức tốt. Bởi vậy, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi dạy tiếng Việt theo lịch cụ thể để các em thuận tiện theo học.

Bài, ảnh: LINH DƯƠNG - BÁO BÌNH ĐỊNH

(Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn)